top of page
Search

Làm bạn với nỗi cô đơn

Updated: Jul 20, 2023

“Cô đơn quá. Tôi cô đơn quá. Tôi chẳng có một ai cho riêng mình.”


Bobby Vinton viết bài hát này khi đang tham gia quân ngũ. Do vậy không có gì bất ngờ khi bài hát khắc họa một người lính ở nơi xa xôi khó có thể liên lạc với người thương tại quê nhà. Ca khúc “Quý ngài Cô đơn” (Mr. Lonely) được phát hành khi chiến tranh giữa Mỹ và Việt Nam đang leo thang. Vì thế, bản nhạc đã trở nên rất phổ biến vào những năm 1960.


Hôm nay, tôi ngồi trong văn phòng của mình ở Việt Nam, xa nghìn trùng với Singapore – quê hương mình. Khi nghe người nam ca sĩ xót xa thở than cho hoàn cảnh của mình và ước ao có một ai đó để cùng trò chuyện, tôi cũng rút ra được những bài học từ việc trải nghiệm sự cô đơn. Vâng và Covid còn làm cảm giác này rõ ràng hơn nhiều. Whatsapp, Telegram, Messenger, Facebook hoặc những ứng dụng khác mà bạn có chỉ làm tăng thêm cảm giác đơn côi.


Thực ra, ca khúc “Quý ngài Cô đơn” đã vang lên trong tâm trí tôi còn trước cả khi Covid. Tôi đã trải nghiệm nỗi cô đơn từ gần 20 năm nay rồi. Tôi cùng vợ và con gái, nghỉ việc để chuyển tới Việt Nam. Vợ tôi đã từng làm một giáo viên, còn tôi thì đã từng là nhân viên xã hội. Chúng tôi đã mạo hiểm đến Việt Nam để theo đuổi một giấc mơ: giấc mơ về việc mang lại sự chữa lành và hy vọng cho những người đang bị tổn thương.


“Tôi đã gần như không biết rằng để chạm được vào ước mơ mang tới sự chữa lành và hy vọng cho những con người bị tổn thương thì bản thân cũng phải bước lên hành trình đó trước.”

Trong một số ngôn ngữ, điều đó được gọi là sự chuộc tội. Theo cách hiểu khác, điều đó được gọi là sự thử thách. Lại trong một số biệt ngữ khác, điều đó được gọi là sự thánh hóa. Còn tôi thì thích dùng từ “hành trình”; để miêu tả một quá trình bước vào những trải nghiệm và đi ra từ đó, để được lọc hóa bản thân! Sự tôi luyện này không nhất thiết phải diễn ra, và nếu may mắn điều này đến với ta, ta sẽ có cơ may được tinh luyện. Nhưng dù sự tinh luyện này có đến hay không, khi nó đi qua chắc chắn đều để lại sự tổn thương, mà có ai mà tránh nổi sự tổn thương trong đời.


Tôi nhớ những ngày đầu khi gia đình mình mới chuyển tới Việt Nam từ Singapore. Tôi đã không hiểu được bất cứ từ nào trên các bản tin tiếng Việt. Tôi bước lên giảng đường – nơi ngập trong hơi thở thanh xuân đầy năng lượng của các em sinh viên Việt Nam nhưng tôi lại cảm thấy cô đơn. Tôi ngồi ăn trưa cũng người đồng nghiệp người Việt nhưng tôi không hiểu được những câu bông đùa của họ. Tôi đeo lên nụ cười ngượng nghịu như thể tôi hiểu họ nói gì chỉ bởi vì tất cả mọi người cùng cười lớn. Bởi vì không hiểu tiếng Việt, tôi thậm chí đã không thể tham gia được những đoạn trò chuyện đơn giản, chứ đừng nói đến những cuộc đối thoại sâu sắc hơn. Tôi bị tước đoạt đi phương cách cơ bản nhất của giao tiếp: ngôn ngữ. Tôi bị mù bởi một trong những màng lọc tối tăm nhất: văn hóa. Tôi bị cướp đi một trong những nhu cầu cơ bản nhất của con người: sự kết nối. Tôi đã cô đơn.

Sau một năm ở Việt Nam, tôi trở lại Singapore một thời gian ngắn. Tình bạn bị tước đoạt và háo hức mong chờ được chia sẻ về trải nghiệm ở Việt Nam, thay vào đó tôi lại đón nhận cú sốc văn hóa ngược. Tôi lại chẳng thể tìm thấy bất cứ ốc đảo nào cho tâm hồn cằn cỗi của mình khi trở về nhà ở Singapore. Những người bạn vẫn phải sống cuộc đời riêng và họ khó có thể hình dung những gì tôi đã trải nghiệm ở Việt Nam. Nó giống như cảnh Lucy trong Biên niên sử Narnia cố gắng giải thích với các anh chị của mình về việc mình đã bước vào Narnia như thế nào. Các anh chị của cô bé không thể tin được những khó khăn mà cô đã trải qua, chỉ đến tận khi chính họ lần đầu tiên chu du tới Narnia. Nhưng ở thời khắc đó, tôi phải bằng long với nỗi cô đơn.

Tôi và con gái mình cùng thích đọc cuốn sách với tựa đề: “Ta cùng đi săn gấu nào” của hai tác giả Michael Rosen và Helen Oxenbury.


Mình cùng đi săn gấu nào! T

a sẽ bắt một chú gấu thật to.

Ôi thật là một ngày tươi đẹp!

Chúng ta sẽ không sợ hãi.


Ù Ù! Cỏ!

Bãi cỏ dài lượn sóng!

Chúng ta chẳng thể đi bên trên.

Cũng chẳng thể đi bên dưới. À không!

Chúng ta có thể đi xuyên qua đồng cỏ!


Xột soạt!

Xột soạt!

Xột soạt!


Câu chuyện tiếp diễn. Cô con gái và người cha đã vượt qua bên kia đồng cỏ cao. Họ tiếp tục truy đuổi nhiệm vụ săn gấu. Sau đó, họ gặp một con sông. Và chướng ngại vật tiếp theo là đến bãi bùn. Thử thách lại nối tiếp thử thách. Trong hành trình đi săn gấu, những thử thách sau lại lớn hơn. Mỗi lần, họ gặp những thứ chặn đường. Họ không thể đi bên trên, cũng chẳng thể đi bên dưới. Họ phải đi xuyên qua nó.

Bị tổn thương sâu sắc. Được tha thiết yêu thương. 2018. Tranh acrylic trên canvas, 30 x 23 cm.

“Sự cô đơn giống như hành trình đi săn tâm hồn”. Ta không thể đi bên trên nó, cũng chẳng thể đi bên dưới. Ta phải đi xuyên qua nó. Đó là lí do vì sao tôi quyết định làm bạn với nỗi cô đơn của riêng mình.


Giống như Narnia, khi tôi bước qua cánh cửa tủ của tấm hồn, là khi sự cô đơn trở thành món quà quý giá của sự đơn độc. Sự cô đơn và sự đơn độc là những mặt khác nhau trên cùng một đồng xu. Sự cô đơn mời gọi tôi bước vào tâm hồn mình, để khám phá những khát khao từ trong sâu thẳm cõi lòng. Trong một thời gian quá dài, những cuộc tụ tập đông người, những công việc ý nghĩa, những cuộc gặp hứa hẹn đã làm chìm đi tiếng gọi nhẹ nhàng của niềm cô đơn “Đến đây nào, mời ngồi”. Tôi đã từng bị tổn thương sâu sắc. Nhưng tôi cũng được tha thiết yêu thương. Khi tôi nhận ra ý nghĩa của việc làm bạn với nỗi cô đơn hay tĩnh lặng của mình, điều gì đó đặc biệt và bất ngờ đã xảy ra. Tôi có thể nói là, một ai đó đặc biệt và bất ngờ xuất hiện. Thiên Chúa của lòng tôi!


Người dịch:

Nguyễn Thu Trang

105 views0 comments
bottom of page